Chàng trai “Vàng” sáng tạo phát minh thế giới giành học bổng Mỹ 4 tỷ đồng

Nguyễn Phương Duy – chủ nhân giải Vàng cuộc thi “Sáng tạo phát minh thế giới” 2020 đưa ý tưởng cải thiện chất lượng nước ở sông hồ Hà Nội vào bài luận và giành học bổng 4 tỷ đến ĐH Carleton, Mỹ.

Nguyễn Phương Duy (18 tuổi) – chàng trai Trường Trung học phổ thông Hà Nội – Amsterdam đi qua 3 quốc gia để hoàn thành bài luận về ứng dụng lập trình máy tính cho hệ thống sục khí cải thiện chất lượng nước ở sông hồ Hà Nội mới đây đã nhận được thư trúng tuyển vào Đại học Carleton Top 9 Đại học khai phóng Mỹ với học bổng hơn 4 tỷ cho 4 năm học, chuyên ngành Khoa học máy tính.

Carleton College là trường đại học tư thục nằm trong khối LAC (nhóm trường đại học giáo dục khai phóng) của Mỹ. Với bề dày hơn 150 năm phát triển, Carleton College là một trong những trường có mật độ sinh viên theo học bằng tiến sĩ tính trên mỗi 100 cử nhân tốt nghiệp cao nhất.

Trường nổi bật nhất với những bộ môn khoa học – sinh học, vật lý, thiên văn, hóa học, và khoa học máy tính. Phương Duy đã chọn Carleton là ngôi trường “nguyện vọng 1” khi em gửi hồ sơ xin học bổng của các trường đại học Mỹ.




Từng suýt bỏ giấc mơ du học Mỹ vì Covid – 19

Ngay từ khi còn học cấp 2, Phương Duy đã mơ ước du học để tiếp thu những kiến thức mới của thế giới về phục vụ đất nước. Mơ ước này ngày càng lớn hơn khi chị gái của Phương Duy được trường Đại học ở thành phố New York nhận học.

Những hình ảnh về nước Mỹ trên phim ảnh, những miền đất lạ trên kênh Discovery cùng với những câu chuyện mà chị gái chia sẻ khi học tập ở nước Mỹ càng tiếp thêm nhiều động lực giúp Duy chuẩn bị cho mục tiêu du học. Năm lớp 10 Duy quyết định thi vào chuyên Tin của Trường THPT Hà Nội – Amsterdam.

Trong suốt gần 3 năm cấp 3, Phương Duy chuyên tâm hoàn thiện bộ hồ sơ của mình. Em luôn bận rộn trong việc giữ các môn học ở trường phải đạt điểm cao, tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa, tham gia các nghiên cứu khoa học, dự các kỳ thi quốc tế – nơi đòi hỏi không chỉ kiến thức mà còn cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình.

Nỗ lực trong học tập đem lại cho Phương Duy một kết quả ấn tượng: 1540/1600 SAT, điểm tuyệt đối 800/ 800 ba môn SAT II bao gồm Hóa, Toán I & II, 770/ 800 hai môn SAT II Sinh học. Về hoạt động ngoại khóa, Phương Duy làm Trưởng Ban Hậu cần, Trưởng Ban Kỹ thuật của các CLB về khởi nghiệp, nghệ thuật sân khấu, hướng nghiệp, robotics…

Đặc biệt em là người sáng lập/ Trưởng ban tổ chức dự án “CtrlZ: Turn the clock back” nhằm đem lại những giá trị, hình ảnh lịch sử quen thuộc của Hà Nội trở lại tâm trí mọi người. Bên cạnh đó, Phương Duy đạt Huy chương Vàng cuộc thi Sáng tạo Phát minh Thế giới (tại Hàn Quốc, 2020), Top 40 Vòng chung kết Quốc Gia cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới Microsoft Office Specialist World Championship (MOS) và tham dự Đại hội Khoa học Trẻ em Quốc gia ở Ấn Độ (2018)…

Tuy nhiên, vào năm nộp hồ sơ du học 2020, đại dịch Covid-19 đã phá hủy hoàn toàn các kế hoạch dự định của Phương Duy. Ở thời điểm đó, dịch bệnh đã khiến học sinh phải học online tại nhà, tất cả các dự án đều buộc hủy do không được phép tập trung đám đông, các kỳ thi (SAT, IELTS, SAT II…) cũng dời lịch thi vô thời hạn. Việc ở nhà một mình với tất cả các công việc đều dang dở khiến Phương Duy áp lực lớn.

“Nhiều dự định như các cuộc thi khoa học, lịch thi SAT, IELTS, hay hoạt động ngoại khóa của em đều bị hoãn. Đồng thời, em lại phải vừa thích nghi với việc phương thức học online mới cũng như cân bằng việc tham gia các cuộc thi và viết các bài luận.

Em đã định bỏ cuộc, may mắn rằng sau đó em đã được các anh chị tư vấn du học giúp em tìm ra ý tưởng viết luận, cùng em luyện tập cho các kỳ thi cũng như hỗ trợ em hoàn thành các hoạt động ngoại khóa”, Phương Duy nhớ lại.


Đi qua 3 quốc gia tìm giải pháp cải thiện chất lượng nước sông hồ

Khi được hỏi bí quyết nào giúp bộ hồ sơ của mình ấn tượng và thuyết phục được hội đồng tuyển sinh Đại học Mỹ, Phương Duy chia sẻ: “Theo em, ngoài thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa phải tốt thì bài luận là rất quan trọng. Bí quyết là trong tất cả các bài luận của em đều kể lên được câu chuyện mà bản thân mình đã trải qua, tự rút ra để từ đó toát lên được khả năng của mình với thần thái tự nhiên nhất.

Ví dụ như một bài luận của em đã nói về dự án khoa học của em hay một bài luận khác lại chỉ nói về một buổi đi chơi cùng các người bạn của em. Qua đó em muốn hội đồng tuyển sinh có thể cảm nhận được con người thật của mình với những dự định, đam mê một cách rõ ràng, chân thật”.

Trong các bài luận của mình, Duy dành một bài luận viết về đam mê nghiên cứu khoa học. Em chia sẻ: “Bố em là nhà khoa học về môi trường nên đã truyền cảm hứng cho em thực hiện một nghiên cứu khoa học về ứng dụng lập trình máy tính vào hệ thống sục khí nhằm cải thiện chất lượng nước thải ở các khu vực sông, hồ Hà Nội đang ô nhiễm nặng.

Năm lớp 10 em đã tham dự Đại hội Khoa học Trẻ em Quốc gia ở Ấn Độ (2018) và em ấp ủ làm một dự án khoa học nhỏ ngay tại thời điểm đó. Một năm sau đó, em theo bố đăng ký tham gia Triển lãm nước quốc tế ở Đài loan (Taiwan International Water Week) – một triển lãm giúp em học được rất nhiều về công nghệ lọc nước.

Sau rất nhiều cố gắng và học hỏi, tới năm lớp 12 Phương Duy đã hoàn thành và gửi bài nghiên cứu của mình tới cuộc thi Sáng tạo Phát minh Thế giới ở Hàn Quốc 2020. Bài nghiên cứu của em sau đó đã giải Vàng và được đăng trên tạp chí nước ngoài.


Và một điều rất thú vị khi kết quả đỗ từ trường Carleton đến với Duy vào… đêm giao thừa. Ngay khi kết thúc chương trình Táo quân năm nay, Phương Duy mở máy tính và nhận được thư chúc mừng nhập học từ Carleton cùng mức học bổng không ngờ.

Em đã hét lên sung sướng và sáng mùng 1 hôm đó tất cả họ hàng đã tới chúc mừng chàng trai đã đạt được ước mơ được nhập học ngôi trường hàng đầu về công nghệ và khoa học máy tính của Mỹ.

Bằng đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ, Phương Duy giành vé trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích. Tháng 8 tới, em sẽ bay tới xứ cờ hoa để bắt đầu những trải nghiệm mới.

Cậu học trò luôn ước ao, có một ngày mạng lưới nhân tài công nghệ Việt Nam đi du học khắp nơi trên thế giới sẽ trở lại cùng chung tay cống hiến, góp xây, giúp đất nước ta cũng có một “thung lũng Silicon” – nơi đầy ắp ý tưởng, sáng tạo, thương mại công nghệ cao như nước Mỹ.

 

Nguồn: dantri

Bài viết khác

Đăng ký ngay để được
tư vấn hoàn toàn miễn phí